Để việc lấy máu xét nghiệm tại nhà đảm bảo kết quả chính xác, ngoài kỹ thuật tốt của nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, quá trình bảo quản và vận chuyển mẫu xét nghiệm cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.
Máu đóng vai trò trung tâm trong quá trình vận chuyển nước và các chất hoà tan. Máu là môi trường nội môi của cơ thể. Cơ thể luôn đảm bảo sự hằng định nội môi, nghĩa là các thông số hoá sinh của máu luôn ở trạng thái ổn định động (chúng dao động trong giới hạn sinh lý nhất định). Khi các trị số của một thông số nào đó vượt khỏi giới hạn sinh lý thì chúng phản ánh một bệnh lý nào đó.
Thông thường mẫu máu để phân tích các chỉ số hoá sinh là máu tĩnh mạch , cũng có khi là máu động mạch hoặc mao mạch. Từ máu ta thu được các loại nghiệm phẩm sau:
- Máu toàn phần: Lấy máu cho vào ống nghiệm có chất chống đông sẽ có máu toàn phần.
- Huyết tương: Ly tâm máu toàn phần sẽ thu được huyết tương.
- Huyết thanh: Lấy máu cho vào ống nghiệm không có chất chống đông, đợi 5- 10 phút cục máu đông sẽ hình thành và tiết ra huyết thanh.
Quả tim mỗi phút đẩy 5 lít máu trong mạch máu đi con người đi nuôi các tế bào. Do đó xét nghiệm máu là xét nghiệm phổ biến được các bác sĩ chỉ định khi bạn đi khám bệnh, nó giúp chẩn đoán tình trạng làm việc của hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa và bài tiết cũng như hệ miễn dịch của cơ thể. Để kết quả xét nghiệm máu chính xác thì nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm cần tuân thủ theo quy trình lấy máu, bảo quản và vận chuyển mẫu máu xét nghiệm dưới đây:
1. Chuẩn bị dụng cụ lấy mẫu máu xét nghiệm:
Ống nghiệm 5ml, giá đựng ống nghiệm, bút ghi kính Bộ đồ lấy máu tĩnh mạch: bơm kim tiêm (3-5ml), dây garô, bông cồn, panh… Tất cả các dụng cụ phải sạch, khô, vô khuẩn.
2. Chuẩn bị bệnh nhân:
- Nên lấy máu bệnh nhân vào buổi sáng sớm, lúc đói vì lúc đó nồng độ các chất trong máu phản ánh tương đối trung thực thông số thực của bệnh nhân, đồng thời tránh được các yếu tố có thể gây sai số.
- Nếu bệnh nhân mới đến cần cho nghỉ 15- 20 phút trước khi lấy máu. Cần giải thích cho bệnh nhân trước khi lấy máu để bệnh nhân không bị bất ngờ và sẽ hợp tác với nhân viên y tế.
- Trong một số xét nghiệm như như xét nghiệm khí máu (phân tích các rối loạn thăng bằng acid, bazơ) cần giải thích kỹ cho bệnh nhân để bệnh nhân ở trạng thái bình tĩnh, tránh gây tăng thông khí phổi dân đến nhiễm kiềm hô hấp, các thông số cần định lượng sẽ bị sai lệch.
3. Cách lấy máu:
Thường lấy máu tĩnh mạch, trường hợp đặc biệt có thể lấy ở động mạch hoặc mao mạch.
3.1. Lấy máu tĩnh mạch
Thưòng lấy ở tĩnh mạch khuỷu tay. Tư thế bệnh nhân nằm hoặc ngồi, tay duỗi thoải mái trên vật cứng. Dùng dây garô thắt ở vị trí trên khuỷu tay 2-3 cm, sát khuẩn, chọc kim vào tĩnh mạch, kéo nhẹ bơm tiêm để kiểm tra xem kim đã chắc chắn vào tĩnh mạch hay chưa. Bỏ dây garô rồi mới lấy máu để tránh hiện tượng ứ máu làm tăng lượng CO2, O2 có trong máu. Khi lấy máu cần chú ý:
- Lấy đủ số lượng máu để làm, căn cứ vào số lượng test cần làm thường lấy từ 2- 5ml máu.
- Không làm vỡ hồng cầu.
- Lựa chọn chất chống đông phù hợp. Chất chống đông là chất loại bỏ đi ion Ca[sup]++[/sup] vì thế làm cho máu không đông. Có rất nhiều loại chất chống đông như: EDTA ( muối ethylen diamin tetraacetic acid), kali oxalat, natri citrat, heparin… Trong đó EDTA thường dùng cho các xét nghiệm huyết học. Heparin thường dùng cho xét nghiệm hoá sinh. Để định lượng fibrinogen dùng chất chống đông là Natri citrat. Định lượng Ca toàn phần không dùng chất chống đông.
3.2. Cách tách huyết thanh:
- Lấy máu vào ống nghệm không có chất chống đông.
- Đợi đông: nếu muốn nhanh để ống nghiệm đựng máu ở tủ ấm cốt giữ cho máu đạt 30 độ C để cục huyết thanh hình thành một cách tự nhiên và tiết ra huyết thanh nhiều nhất. Khi máu đã đông dùng que thuỷ tinh nhẹ nhàng tách phần cục huyết dính vào thành ống. Cục huyết dễ co lại và nhanh tiết ra huyết thanh. Đem ly tâm 2500v/15 phút hoặc 3000v/5 phút, sau đó dùng pipep tự động hút lấy huyết thanh.
4. Cách bảo quản bệnh phẩm:
- Huyết tương tách sớm trong vòng 1 giờ sau khi lấy máu, nhất là khi làm xét nghiệm điện giải để tránh sự khuyếch tán K+ từ hồng cầu ra.
- Huyết thanh phải tách trước 2 giờ kể từ khi lấy máu. Để ở nhiệt độ phòng, đậy nút tránh bay hơi và nhiễm khuẩn.
Huyết thanh và huyết tương cho phép được bảo quản < 4 giờ ở nhiệt độ phòng và 1- 2 ngày ở 2-8 độ C. Muốn giữ lâu hơn cần phải để ở ngăn đá và đậy nút kín. - Các xét nghiệm về enzym cần làm trên huyết tương hoăch huyết thanh tươi. Định lưọng glucose máu cần làm ngay vì sau 1 giờ nồng độ glucóe máu giảm 7%. Trong khi đó có những chất tương đối bền ở 20 độ C trong thời gian dài như acid uric, cholesterol, triglycerid.
- Bệnh phẩm để làm bilirubin máu phải bọc giấy đen để tránh chuyển thành biliverdin dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời.
5. Cách vận chuyển mẫu
Khi vận chuyển mẫu cần tuân thủ quy trình đóng gói mẫu như đóng chặt nắp ống mẫu, xếp ống mẫu theo hướng thẳng đứng trong giá đựng mẫu, đặt túi lạnh vào thùng đựng mẫu nhằm bảo quản mẫu từ 2-8 độ C.